Di tích lịch sử Trung Mầu

Đình Thịnh Liên thờ 3 vị tướng thời Đinh có công dẹp loạn và lập ra làng Trung Mầu xưa

Xã Trung Mầu gồm hai làng Trung Mầu và làng Thịnh Liên với 5 di tích lịch sử văn hóa. Làng Trung Mầu xưa có một đình, một nghè, hai chùa (một gọi là Chùa Đô, một gọi là chùa Mới nay xây nhà truyền thống của xã). Làng Thịnh Liên xưa có hai đình hai chùa. Năm 2017, cả 2 làng đều phục dựng lại các ngôi đình với tên gọi là đình Trung Mầu và đình Thịnh Liên. Theo sắc phong còn để lại cả hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên đều thờ ba vị tướng: Cao Chương Đại Vương, Cao Gia Đại Vương, Tòng Chinh Đại Vương thời nhà Đinh. Các vị tướng nhà Đinh này đều là nhân vật cụ thể có công đánh dẹp 12 sứ quân và Chiêm Thành giữ nước thuộc địa phận hai làng được nhà vua phong tướng sắc.[2] Riêng làng Thịnh Liên vì đại bộ phận là dân chài còn thờ thêm vị thần: "Hán Giang Thủy Tộc Long Vương".

Theo cuốn lịch sử các làng ở thủ đô Hà Nội, Trung Mầu có tên nôm là làng Miêu, một làng xưa thờ quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư) tại Chùa Đô. Vì có chiến tích đối với quốc gia, nhà sư đó còn được vua đưa về tưởng niệm tại Kinh đô Thăng Long. Hiện nay có đền thờ ở phố Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm nội thành Hà Nội và ở chùa Bái Đính, Ninh Bình trên quê hương ông.